Blog

Chương Trình Trợ Cấp Tiền Bệnh (ODSP)

Chương Trình Trợ Cấp Bệnh Tật  của Ontario (Ontario Disability Support Program, viết tắt ODSP) là gì?

Chương Trình Trợ Cấp Bệnh Tật của Ontario (ODSP) cung cấp sự giúp đỡ về tài chánh cho những người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc  tàn tật, để giúp họ có tiền trang trải các chi phí trong cuộc sống như thực phẩm và tiền nhà.

Tôi có hội đủ điều kiện để lãnh ODSP hay không?

Để hội đủ điều kiện lãnh ODSP, người xin phải hội đủ các điều kiện sau đây:

• 18 tuổi trở lên
• Cư ngụ tại Ontario
• Hội đủ các điều kiện về tài chánh
• Có bệnh tật nghiêm trọng về thể xác hoặc tâm thần mà:
– tình trạng sức khỏe đã kéo dài một năm hoặc hơn, và
– do đó không thể tự chăm sóc cho bản thân,  có giới hạn trong sinh
hoạt trong đời sống cộng đồng, hoặc đi làm
• ODSP cũng sẽ xem xét tình trạng di trú của quý vị:
– Nói chung, tư cách visa tạm hay du khách không hội đủ điều kiện
để hưởng ODSP
– Nếu quý vị sống tại Ontario nhưng không phải là thường trú
nhân hoặc công dân Canada, và muốn nộp đơn xin ODSP, xin liên
lạc với một văn phòng pháp lý để tham khảo.

Hội đủ điều kiện tài chánh

Để xác định xem một người nộp đơn xin có hội đủ điều kiện về mặt tài chánh hay không, ODSP trước tiên sẽ xem toàn bộ tình trạng tài chánh của gia đình quý vị. Để hội đủ điều kiện, thu nhập và trị giá tài sản của gia đình quý vị không thể vượt hơn một mức nào đó. Những mức này tùy thuộc vào số người trong gia đình quý vị.

Các ví dụ nguồn lợi tức mà ODSP sẽ xem xét bao gồm:
• Lợi tức có được do đi làm
• Lợi tức cho thuê nhà
• Phúc lợi tiền bệnh hoặc tàn tật tư
• Tiền già (Old Age Security)
• Trợ cấp thất nghiệp (EI benefits)
• Lợi tức doanh nghiệp

Các ví dụ về tài sản bao gồm:

• Tiền mặt
• Công trái phiếu
• Trái khoản (debentures)
• Cổ phiếu
• Các phần tiền mặt của bảo hiểm nhân thọ, và
• Tài sản khác có thể dễ dàng chuyển sang tiền mặt.

Một số lợi tức và tài sản được miễn trừ. Điều này có nghĩa ODSP không tính chúng khi tính toán lợi tức và tài sản của quý vị.

Các ví dụ của những khoản được miễn trừ gồm có:

• Lợi tức đi làm bán thời gian của con cái phụ thuộc trong gia đình
• Phúc lợi thuế của trẻ em
• Căn nhà nơi cư ngụ chính của quý vị
• Qũy Tiết Kiệm Tàn Tật Có Đăng Ký (Registered Disability Savings Plans, viết tắt RDSPs)
• Qũy Tiết Kiệm Học Vấn (Registered education saving plan, viết tắt
RESP)
• Các công cụ, đồ nghề
• mức tiền bồi thường cho sự đau đớn và đau khổ, cho tới mức tối đa
$100,000

Hội đủ điều kiện về tàn tật

Nếu quý vị hội đủ điều kiện tài chánh để xin ODSP, quý vị sẽ được trao một Tập đơn Xác Định Sự Tàn Tật (Disability Determination Package) để mang đến cho một chuyên viên y khoa được công nhận, người trị liệu cho quý vị, để điền vào. Quý vị có thời hạn 90 ngày tính từ ngày nhận các mẫu đơn để điền và gửi lại cho Đơn Vị Xét Về Vấn Đề Tàn Tật (Disability Adjudication Unit, viết tắt DAU).  Đơn Vị Xét Về Vấn Đề Tàn Tật (DAU) sẽ thẩm định sự tàn tật của quý vị dựa trên thông tin trong các mẫu đơn này để xác định xem quý vị có hội đủ điều kiện theo định nghĩa của một “người bị tàn tật” hay không theo định nghĩa trong Luật Chương Trình Trợ Cấp Bệnh Tật của Ontario (Ontario Disability Support Program Act).

Căn cứ theo định nghĩa này, một người bị tàn tật là người có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần và thể xác mà vấn đề đó:

1. phải là liên tục hoặc có nguy cơ tái phát
2. đã kéo dài trong thời gian một năm hoặc hơn
3. mang giới hạn một cách đáng kể đến khả năng lao động, năng lực tự
chăm sóc bản thân, hoặc làm các sinh hoạt thường nhật tại nhà hoặc trong
cộng đồng của họ.

Một người nộp đơn phải hội đủ tất cả ba điều kiện này mới đủ tiêu chuẩn hưởng ODSP.

Một số người nộp đơn không đòi hỏi phải có sự thẩm định tàn tật và tự động hội đủ điều kiện hưởng ODSP, nếu họ hội đủ điều kiện về mặt tài chánh.

Những diện nộp đơn được miễn trừ sự thẩm định tàn tật này bao gồm:

• người đang nhận Các Phúc Lợi Hưu Bổng Tàn Tật của chính phủ liên bang
• Canada (Canada Pension Plan Disability Benefits, viết tắt CPP-D)
• người đang nhận Các Phúc Lợi Hưu Bổng Tàn Tật của Quỹ Hưu Québec
(Quebec Pension Plan Disability Benefits, viết tắt QPP-D)
• người 65 tuổi trở lên và không hội đủ điều kiện hưởng tiền già (Old Age
Security)
• Những người sống trong các viện chăm sóc như bệnh viện tâm thần hoặc
nhà dành cho người bị chậm phát triển bẩm sinh

Tập đơn Xác Định Sự Tàn Tật (Disability Determination Package) 

Tập đơn xác định sự tàn tật bao gồm các mẫu đơn sau đây:

• Báo Cáo Tình Trạng Sức Khỏe và Chỉ Số Các Sinh Hoạt Thường Nhật
• Mẫu Ưng Thuận Tiết Lộ Thông Tin Y Khoa
• Mẫu Tự Báo Cáo tình trạng sức khỏe

Báo Cáo Tình Trạng Sức Khỏe và Chỉ Số Các Sinh Hoạt Thường Nhật (Health Status Report and Activities of Daily Living Index)

Bản Báo Cáo Tình Trạng Sức Khỏe và Chỉ Số Các Sinh Hoạt Thường Nhật phải do một chuyên viên y khoa được công nhận điền. Chuyên viên y  khoa của quý vị phải xác nhận các bệnh tật của quý vị và ảnh hưởng của các bệnh tật đó đối với khả năng làm việc, tự chăm sóc bản thân của quý vị và khả năng tham gia cộng đồng.

Bản Báo Cáo Tình Trạng Sức Khỏe phải được điền bởi một chuyên viên y khoa được công nhận  chẳng hạn như:

• Bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ chuyên khoa
• Bác sĩ tâm lý hoặc Chuyên viên trị liệu tâm lý )
• Bác sĩ mắt
• Y tá chính ngạch [đôi khi được gọi là y tá có quyền kê toa cho thuốc (nurse practitioner)]

Chỉ một chuyên viên y khoa có thể điền bản Báo Cáo Tình Trạng Sức Khỏe mà thôi. Hãy chắc chắn quý vị chọn người nào biết rõ nhất về sự tàn tật của quý vị. Quý vị cũng nên nói chuyện với chuyên viên y khoa của mình để bảo đảm tất cả các tình trạng và các triệu chứng có liên quan được ghi đầy đủ trong bản Báo Cáo Tình Trạng Sức Khỏe và không bỏ sót chi tiết nào cả.

Bản Chỉ Số Các Sinh Hoạt Thường Nhật (Activities of Daily Living Index) phải được điền bởi một:

• Bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ chuyên khoa
• Bác sĩ chuyên khoa tâm lý hoặc Chuyên viên trị liệu tâm lý
• Bác sĩ mắt
• Chuyên viên thính giác
• Chuyên viên chức năng trị liệu
• Chuyên viên vật lý trị liệu
• Bác sĩ chuyên khoa nắn xương, chỉnh cột sống (chiropractor)
• Chuyên viên âm ngữ trị liệu
• Cán sự xã hội
• Y tá
• Y tá có quyền kê toa cho thuốc

Điều quan trọng là chuyên viên y khoa phải bao gồm các bản sao của các báo cáo y khoa và hội chẩn cùng với mẫu đơn này. Những người nộp đơn nên yêu cầu chuyên viên chăm sóc sức khỏe của họ bổ túc thêm các chi tiết hỗ trợ y khoa kèm theo đơn của họ (ví dụ như các báo cáo của bác sĩ chuyên khoa, các thẩm định tâm lý, các báo cáo chụp hình chẩn đoán, các thẩm định năng lực hoạt động, v.v.).

Ưng Thuận Tiết Lộ Thông Tin Y Khoa và Mẫu Tự Báo Cáo

Có 2 mẫu đơn quý vị phải tự mình điền là:

• Ưng Thuận Tiết Lộ Thông Tin Y Khoa
• Mẫu Tự Báo Cáo

Mẫu Ưng Thuận Tiết Lộ Thông Tin Y Khoa cho phép bác sĩ hoặc chuyên viên y khoa của quý vị gửi cho Đơn Vị Xét Về Vấn Đề Tàn Tật (DAU) tất cả thông tin y khoa hỗ trợ cho đơn xin của quý vị. Điều này có thể bao gồm các báo cáo của các bác sĩ chuyên khoa, báo cáo tâm lý hoặc các thẩm định khác, các báo cáo chụp hình quang tuyến, và các kết quả xét nghiệm.

Mẫu Tự Báo Cáo (Self-Report Form) thì không bắt buộc. Quý vị không nhất thiết   phải điền mẫu này, nhưng đơn sẽ giúp DAU hiểu tình trạng sức khỏe của quý vị ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của quý vị như thế nào. Cho dù có điền mẫu này hay không, quý vị phải ký và gửi mẫu này chung với phần còn lại của tập đơn trong vòng 90 ngày tính từ ngày quý vị nhận được tập đơn.

Hạn chót 90 ngày nộp đơn

Khi tất cả các mẫu đơn trong tập Hồ Sơ Xác Định Sự Tàn Tật của quý vị đã hoàn tất, quý vị (hoặc chuyên viên y khoa) phải gửi chúng lại cho Đơn Vị Xét Về Vấn Đề Tàn Tật (Disability Adjudication Unit) của Bộ Dịch Vụ Cộng Đồng và Xã Hội theo địa chỉ:

Ontario Disability Support Program
Disability Adjudication Unit
Box B18
Toronto, ON M7A 1R3
Fax: 416-326-3374

Nếu quý vị không gửi các mẫu này trong vòng 90 ngày, văn phòng ODSP sẽ đóng hồ sơ của quý vị. Điều này có nghĩa quý vị phải làm lại từ đầu để nộp đơn xin ODSP.

Nếu quý vị không thể gửi các mẫu đơn của mình trong vòng 90 ngày, quý vị có thể yêu cầu Đơn Vị Xét Về Vấn Đề Tàn Tật cho quý vị thêm thời gian. Quý vị sẽ phải chứng minh với họ quý vị có lý do chính đáng để nộp trễ. Ví dụ, quý vị không thể điền hoàn tất các mẫu đơn vì quý vị nằm viện hoặc ở tù thì họ phải cho quý vị thêm thời gian.

Nhưng nếu họ từ chối không cho quý vị thêm thời gian, quý vị sẽ phải làm đơn lại từ đầu.

Đáp Ứng Trắc Nghiệm Về Sự Tàn Tật

Thường phần khó khăn nhất của việc xin ODSP là đáp ứng trắc nghiệm tàn tật. Không phải tất cả những ai bị bệnh hoặc bị tàn tật đều hội đủ điều kiện để hưởng ODSP. Điều quan trọng phải hiểu tất cả các yếu tố của việc trắc nghiệm sự tàn tật là để xác định xem quý vị có thể hoặc không thể hội đủ điều kiện hưởng ODSP và biết xem phải bổ túc thêm những chứng từ gì.

      I. Tàn tật đáng kể

Để hội đủ điều kiện, một người nộp đơn phải có các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng và/hoặc một sự tàn tật đáng kể. Điều này có nghĩa sự tàn tật không thể chỉ nhẹ hoặc không đáng kể. Sự tàn tật của quý vị phải đưa đến kết quả giảm sút một cách đáng kể năng lực hoạt động. Ví dụ, đau nhức nhẹ, hoặc thỉnh thoảng nhức đầu nói chung không được xem là tàn tật đáng kể.

II. Liên tục hoặc tái phát, kéo dài trong một năm hoặc hơn

Ngay cả nếu sự tàn tật được xem là đáng kể, nó cũng phải dài hạn và không chỉ đơn thuần tạm thời. Ví dụ, tuy một người bị gãy tay có thể bị tàn tật đáng kể trong vài tháng, người đó không hội đủ các yêu cầu của sự liên tục hoặc tái phát, và tình trạng được xem là không kéo dài trong một năm hay hơn. Chuyên viên y khoa của quý vị phải cho biết sự tàn tật có kéo dài lâu hơn một năm hay không trong bản Báo Cáo Tình Trạng Sức Khỏe của quý vị.

III. Các giới hạn đáng kể trong cuộc sống hàng ngày

Chỉ vì quý vị có một sự tàn tật đáng kể, điều đó không có nghĩa quý vị tự động hội đủ điều kiện để hưởng ODSP. Sự tàn tật đó cũng phải hạn chế một cách đáng kể năng lực của quý vị ít nhất một trong các lĩnh vực đời sống sau đây:

(1) Khả năng của quý vị để tự chăm sóc cho bản thân;
(2) Khả năng của quý vị để làm việc tại sở làm; và
(3) Khả năng của quý vị để tham gia trong cộng đồng.

Chuyên viên y khoa của quý vị phải cho biết mức độ trầm trọng của các sự hạn chế này trong bản Chỉ Số Các Sinh Hoạt Thường Nhật của quý vị.

Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng ODSP thực hiện phương pháp tích lũy nhằm xác định xem có một sự hạn chế hoặc tàn tật đáng kể hay không. Điều này có nghĩa ODSP sẽ xét mọi khía cạnh hoàn cảnh của quý vị để đưa ra quyết định. Ví dụ, ODSP có thể xét các yếu tố như kinh nghiệm làm việc trước đây của quý vị, trình độ học vấn, khả năng ngôn ngữ, và tuổi tác, để xác định xem có một sự tàn tật hoặc hạn chế đáng kể hay không.

IV. Ngày tháng của các bằng chứng hỗ trợ phải đúng

Quý vị phải hội đủ tất cả các yếu tố của sự trắc nghiệm tàn tật vào thời điểm nộp đơn của quý vị. Điều này có nghĩa ngay cả khi quý vị có một sự
tàn tật đáng kể và sự tàn tật đó đáp ứng tất cả các yếu tố của việc trắc nghiệm trong quá khứ; nhưng tình trạng đã cải thiện vào thời điểm nộp đơn, đơn của quý vị vẫn có thể bị từ chối nếu quý vị không đáp ứng được yêu cầu trắc nghiệm về tàn tật vào thời điểm nộp đơn.Vì vậy điều tối quan trọng là bác sĩ của quý vị hoặc chuyên viên y khoa phải cho biết vào ngày, tháng, năm nào quý vị có các tình trạng và các triệu chứng bệnh tật và quý vị tiếp tục có những tình trạng và triệu chứng đó kể từ lúc nào.Ngoài ra, nếu quý vị kháng cáo một quyết định về sự tàn tật, bất cứ tài liệu y khoa mới nào quý vị nộp phải đề cập một cách cụ thể đến tình trạng của quý vị vào thời điểm lúc nộp đơn, nếu không những chi tiết mới này sẽ không được xét.

Tôi nhận được những gì từ ODSP?

Các khoản tiền trợ cấp của ODSP được chia làm hai phần: (1) tiền cho các nhu cầu căn bản và (2) trợ cấp nơi trú ngụ. Phần các nhu cầu căn bản là nhằm bao trả chi phí mua thực phẩm, quần áo, và các đồ dùng cá nhân cần thiết. Phần trợ cấp nhà ở là để trả cho chi phí thuê mướn hoặc trả tiền thế chấp mua nhà của quý vị, tiền sưởi, các tiện nước, thuế thổ trạch, bảo hiểm nhà, và các lệ phí chúng cư (condo). Số tiền trợ cấp này tùy thuộc vào số người trong gia đình quý vị, tuổi của con cái phụ thuộc và số những người bị tàn tật trong gia đình.  Các thành phần trong hộ sẽ tự động nhận được cạc mua thuốc men miễn phí.

Ngoài phần trợ cấp lợi tức, nếu quý vị đủ điều kiện hưởng ODSP, quý vị và gia đình quý vị có thể cũng đủ điều kiện để hưởng một số các phúc lợi khác chẳng hạn như:

• tiền trợ cấp chế độ ăn kiêng đặc biệt
• tiền chi phí nha khoa
• chăm sóc mắt
• dụng cụ trợ thính
• Đồ dùng cho người bị bệnh tiểu đường
• Giúp trang trải các chi phí đi lại để đến các cuộc hẹn y khoa
• Sửa chữa và mua bình điện cho xe lăn/thiết bị giúp đi đứng
• Tài trợ cho chó dẫn đường của quý vị
• Giúp với các chi phí có liên quan đến công việc làm

Cuối cùng, nếu quý vị hội đủ điều kiện hưởng ODSP và vẫn còn muốn tìm việc làm, ODSP cung cấp các sự hỗ trợ tìm việc để giúp quý vị chuẩn bị cho một công việc làm hay một chương trình huấn luyện mới hoặc thậm chí để khởi đầu doanh nghiệp của chính quý vị. Tùy theo hoàn cảnh, ODSP có thể cho phép quý vị đi làm và nhận tiền hỗ trợ lợi tức cùng lúc.
Trợ cấp chế độ ăn kiêng đặc biệt
Nếu quý vị hoặc một người nào trong gia đình quý vị có một số tình trạng y khoa,  quý vị có thể nhận tiền trợ cấp ăn kiêng như một phần của tiền hỗ trợ lợi tức mà họ nhận từ ODSP.
Số tiền quý vị nhận tùy thuộc vào tình trạng y khoa của quý vị. Quý vị phải nộp đơn để xin khoản trợ cấp này.
Để nộp đơn xin trợ cấp ăn kiêng đặc biệt, quý vị phải dùng mẫu đơn chế độ ăn kiêng đặc biệt. Quý vị có thể hỏi nhân viên ODSP của mình xin mẫu đơn này và mang đến cho chuyên viên y khoa của quý vị điền rồi nộp lại cho người quản lý  hồ sơ của quý vị.
Chuyên viên y khoa được chấp thuận, người có thể điền mẫu đơn ăn kiêng đặc biệt có thể là:
• một bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ chuyên khoa• một chuyên viên dinh dưỡng• một y tá có quyền kê toa cho thuốc
Mẫu đơn liệt kê tất cả các tình trạng y khoa quý vị hội đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp ăn kiêng đặc biệt. Nếu một tình trạng y khoa không có trong danh sách, quý vị không thể có trợ cấp cho tình trạng đó. Số tiền trợ cấp ăn kiêng đặc biệt được dựa trên từng tình trạng y khoa ghi trên mẫu đơn cho đến một mức tối đa.
Nếu ODSP từ chối đơn xin trợ cấp chế độ ăn kiêng đặc biệt của quý vị, quý vị có thể kháng cáo quyết định.
Làm thế nào để nộp đơn xin ODSP
Nếu quý vị đang nhận sự trợ giúp tài chánh từ Trợ Cấp Xã Hội Thường (Ontario Works, viết tắt OW) và muốn nộp đơn xin ODSP, quý vị không cần phải điền bản thẩm định tài chánh. Chỉ cần nói với nhân viên quản lý hồ sơ của quý vị nhờ lấy đơn xin ODSP. Nhân viên OW của quý vị có thể đăng ký gửi cho quý vị tập đơn xin xác định sự tàn tật để nộp đon xin ODSPA.
Có ba cách để nộp đơn xin ODSP:
I. Trực tuyến trên mạng
Đơn Xin Trợ Cấp Xã Hội trực tuyến trên mạng cho phép cư dân Ontario biết xem họ có thể hội đủ điều kiện tài chánh để xin Trợ Cấp ODSP hay không, và có thể  bắt đầu tiến trình làm đơn xin. Quý vị có thể nộp đơn tại đường nối mạng sau đây:
http://www.mcss.gov.on.ca/en/mcss/programs/social/apply_online.aspx
II. Nộp đơn qua điện thoại
Gọi cho văn phòng tại địa phương quý vị để điền đơn qua điện thoại. Để tìm văn phòng ODSP tại địa phương, quý vị có thể tìm trên trang mạng sau đây để có danh sách liệt kê các văn phòng:

http://www.mcss.gov.on.ca/en/mcss/programs/social/odsp/contacts/index.aspx
III. Đích thân nộp đơn
Để bắt đầu tiến trình làm đơn, hãy liên lạc với văn phòng ODSP tại địa phương quý vị và xin một cuộc hẹn. Nếu quý vị không thể đến cuộc hẹn tại văn phòng địa phương, ODSP có thể sắp xếp để gặp quý vị tại một địa điểm khác.
Nếu quý vị có các nhu cầu đặc biệt, chẳng hạn như cần thông dịch viên, hãy cho ODSP biết và họ sẽ sắp xếp để có thông dịch tại cuộc họp ban đầu.
Trước cuộc hẹn của quý vị, văn phòng sẽ gửi thư cho quý vị xác nhận ngày và giờ của cuộc hẹn. Họ cũng sẽ bao gồm một danh sách các thứ quý vị cần phải mang đến cuộc hẹn.
Mục đích của cuộc hẹn đầu tiên là để xem xét tình trạng tài chánh của quý vị. Quý vị phải mang những giấy tờ sau đây (nếu có) của mình và của những người trong gia đình:
• Giấy khai sanh;• Giấy tờ di trú (chẳng hạn như Giấy Nhập Cảnh, Hợp Đồng Bảo lãnh hoặc Thẻ Thường Trú Nhân);• Số thẻ an sinh xã hội; • Số thẻ bảo hiểm y tế Ontario (OHIP);• Thông tin về chi phí nhà ở của quý vị (chẳng hạn như biên lai tiền thuê nhà, tờ khai tiền thế chấp mua nhà, hóa đơn tiền điện nước và sưởi);• Chi tiết về tài sản của quý vị (chẳng hạn như các sổ ngân hàng hoặc các báo cáo định kỳ của ngân hàng);• Thông tin về lợi tức của quý vị (chẳng hạn như cùi lương hoặc lệnh cấp dưỡng);• Thông tin về công việc làm hoặc chương trình huấn luyện của quý vị;•
• Bằng chứng về sự ủy thác (trusteeship) hoặc giấy ủy quyền.
Viên chức cũng sẽ xét đến các yếu tố khác để xác định việc hội đủ điều kiện về tài chánh của ODSP:
• Gia đình quý vị có bao nhiêu người;• Quý vị có bao nhiêu người con phụ thuộc và những người đó bao nhiêu tuổi;• Nếu quý vị có người phối ngẫu hoặc con phụ thuộc trưởng thành;• Lợi tức và tài sản của tất cả những người trong hộ;• Nếu quý vị có đủ điều kiện để hưởng các nguồn lợi tức khác; và• Quý vị cư ngụ tại đâu.
Cuộc họp sẽ mất khoảng một tiếng đến một tiếng rưỡi. Sau cuộc họp, quản lý viên hồ sơ của quý vị sẽ cho quý vị biết quý vị có hội đủ điều kiện tài chánh xin ODSP hay không.
Nếu quý vị hội đủ điều kiện về mặt tài chánh, quý vị sẽ sang phần thứ hai của tiến trình làm đơn: Tiến Trình Xác Định Sự Tàn Tật (Disability Determination Process).
Tiến trình này xem xét tình trạng tàn tật của quý vị để xem quý vị có hội đủ điều kiện theo định nghĩa “người bị tàn tật” theo định nghĩa bởi Luật Chương Trình Trợ Cấp Mất Sức Lao Động hay không.
Sau khi nộp đơn
DAU sẽ quyết định quý vị có đáp ứng định nghĩa của ODSP về người bị tàn tật hay không và vì vậy có hội đủ điều kiện để xin phúc lợi ODSP hay không. Họ sẽ gửi thư báo cho quý vị biết quyết định của họ. Nếu DAU quyết định quý vị đủ điều kiện, họ sẽ báo cho văn phòng ODSP tại địa phương quý vị biết để họ có thể bắt đầu trả tiền trợ cấp lợi tức cho quý vị.
Xin lưu ý ngay cả nếu DAU quyết định người nộp đơn hội đủ điều kiện, và nếu họ nghĩ sự tàn tật của quý vị có thể cải thiện trong tương lai, họ có thể định ngày tái xét tình trạng y khoa của quý vị.
Sự tái xét y khoa
Nếu quý vị hội đủ điều kiện và nhận trợ cấp ODSP, Đơn Vị Xét Về Vấn Đề Tàn Tật (Disability Adjudication Unit) có thể định ngày tái xét tình trạng y khoa của quý vị. Điều này có nghĩa họ muốn kiểm tra lại sự tàn tật hoặc tình trạng sức khỏe của quý vị trong tương lai để xem quý vị có còn tiếp tục hội đủ điều kiện để hưởng ODSP hay không. Họ làm điều này nếu họ nghĩ rằng tình trạng sức khỏe của quý vị có thể tiến triển trong tương lai.
Kể từ tháng Ba năm 2016, ODSP đã tiến hành một tiến trình mới, đơn giản hơn nhằm tái xét tình trạng y khoa và gồm một mẫu đơn có hai bước.
Trong phần đầu tiên của mẫu đơn, nếu chuyên viên chăm sóc sức khỏe của đương sự nhận xét  tình trạng y khoa, các sự tàn tật và các mặt hạn chế không có thay đổi, thì họ sẽ không cần phải điền phần thứ nhì của mẫu đơn, trong đó yêu cầu cần có thêm thông tin y khoa.
Nếu chuyên viên chăm sóc sức khỏe ghi rằng có sự cải thiện, thì phần thứ nhì của mẫu đơn sẽ cho cơ hội để chuyên viên y khoa ghi xuống thông tin y khoa cập nhật. Chuyên viên chăm sóc sức khỏe cũng sẽ có cơ hội để cho biết thêm về các tình trạng mới có liên quan đến sự tàn tật đã nảy sinh kể từ lần xác định lần trước đó.
Đơn Vị Xét Về Vấn Đề Tàn Tật quyết định xem quý vị có còn hội đủ điều kiện là “người tàn tật” hay không dựa trên các mẫu đơn và bất cứ bằng chứng y khoa nào khác mà quý vị gửi cho việc tái xét.
Quý vị sẽ tiếp tục nhận tiền trợ cấp lợi tức trong lúc Đơn Vị Xét Về Vấn Đề Tàn Tật tái duyệt hồ sơ. Nếu họ quyết định quý vị không còn tàn tật nữa, hồ sơ của quý vị sẽ bị đóng sau 3 tháng. Quý vị có thế kháng cáo quyết định mới này.
Yêu cầu tham gia
Tất cả những người trưởng thành không bị tàn tật đang nhận trợ cấp trong hộ (thường là phối ngẫu của người tàn tật đang nhận ODSP) sẽ được giới thiệu sang bộ phận dịch vụ giúp tìm việc của Ontario Works, như một điều kiện của việc hội đủ điều kiện, để điền bản Thỏa Thuận Tham Gia (Participation Agreement) nhằm tham gia trong các hoạt động trợ giúp tìm việc của Ontario Works, giúp họ tìm việc làm và giữ việc làm.
Nếu những thành viên này không thực hiện các hoạt động ghi trong Thỏa Thuận, trợ cấp lợi tức có thể bị ngưng hoặc giảm bớt.
Trong một số trường hợp, quý vị có thể yêu cầu xin tạm hoãn tham gia tìm việc nếu quý vị:
• là một người cha hay mẹ độc thân và không có sẵn chương trình giáo dục được chính phủ tài trợ cho con quý vị hiện đang sống cùng quý vị, hoặc• quý vị có một lá thư của một người nào, chẳng hạn như bác sĩ, nói rằng quý vị không thể tham gia tìm việc vì quý vị là người chủ yếu chăm sóc cho một người thân đang cần sự liên tục chăm sóc  vì họ bị tàn tật, bị bệnh, hoặc già yếu.
Trong một số các trường hợp, nhân viên OW của quý vị sẽ đưa cho quý vị một Giấy Xin Tạm Miễn (Temporary Waiver) để làm những việc trong bản Thỏa Thuận, nhưng chỉ khi nào quý vị có thể chứng minh rằng làm bất cứ những hoạt động nào đều là việc rất khó khăn cho quý vị. Ví dụ, quý vị có thể xin tạm miễn nếu:
• quý vị là phụ huynh nhận tạm nuôi,• quý vị đang lãnh trợ cấp bồi thường tai nạn lao động,• quý vị đang nghỉ hộ sản hoặc nghỉ nuôi con,• quý vị đang bị quản chế tại gia,• quý vị là nạn nhân của bạo hành gia đình, hoặc• quý vị đang xin nghỉ phép y khoa gia đình cho tới 8 tuần để chăm sóc hoặc hỗ trợ cho một người thân hay bạn thân đang bị bệnh nặng và có nguy cơ tử vong trong vòng 26 tuần.
Quý vị sẽ cần phải chứng minh cho văn phòng OW với chứng từ hoặc bằng chứng nào khác hỗ trợ cho việc quý vị xin Tạm Hoãn nghĩa vụ.
Nếu hoàn cảnh cùa quý vị thay đổi, quý vị có bổn phận phải thông báo cho nhân viên OW của quý vị biết. Một sự thay đổi trong hoàn cảnh sinh sống có thể có nghĩa quý vị phải bắt đầu làm các nghĩa vụ trong bản Thỏa Thuận của mình.
OW tái duyệt các bản Thỏa Thuận Tham Gia một cách đều đặn. Ngay cả nếu quý vị có lý do để tạm không làm các nghĩa vụ trong bản Thỏa Thuận của mình, nhân viên OW, người duyệt lại bản Thỏa Thuận của quý vị có thể quyết định quý vị phải bắt đầu làm các nghĩa vụ.
Kháng cáo
Quý vị có thể kháng cáo nếu Đơn Vị Xét Về Vấn Đề Tàn Tật quyết định quý vị không hội đủ điều kiện về mặt tài chánh hoặc không đáp ứng đúng định nghĩa của người bị tàn tật hoặc khi trợ cấp của quý vị bị giảm bớt hoặc bị ngưng.
Trước khi nộp đơn kháng cáo, quý vị trước tiên phải viết thư xin ODSP tái xét quyết định của họ. Điều này được gọi là Tái Xét Nội Bộ (Internal Review).

Quý vị có 30 ngày từ ngày quý vị nhận được quyết định để xin tái xét nội bộ. Hãy kiểm lại lá thư thông báo quyết định để biết chính xác ngày hết hạn kháng cáo.
Nếu quý vị đã lố ngày hết hạn kháng cáo, quý vị vẫn có thể xin được Tái Xét Nội Bộ, nhưng quý vị sẽ phải giải thích lý do tại sao quý vị cần có thêm thời gian. Trong một số trường hợp, quý vị có thể được Tái Xét Nội Bộ ngay cả khi ngày hết hạn kháng cáo đã qua.
Có hai cách quý vị có thể xin Sự Tái Xét Nội Bộ
(1) Điền mẫu đơn xin được Tái Xét Nội Bộ; hoặc(2) Viết một lá thư yêu cầu tái xét
Nếu quý vị viết thư, hãy chắc chắn quý vị cho biết tại sao quý vị xin được tái xét nội bộ và cho biết tên họ của quý vị, số hồ sơ của người lãnh trợ cấp (quý vị có thể tìm số này trong thư ghi quyết định của ODSP), và ngày tháng năm sinh.
Trong thư, quý vị phải cố gắng giải thích tại sao quý vị không đồng ý với quyết định được đưa ra. Nếu sự kháng cáo của quý vị dựa trên các lý do y khoa, quý vị nên bao gồm thêm bất cứ thông tin y khoa nào khác mà quý vị nghĩ sẽ giúp cho việc tái xét nội bộ (ví dụ như các báo cáo hội chẩn, các báo cáo hình chụp quang tuyến).
Gửi hoặc fax thỉnh cầu xin Tái Xét Nội Bộ của quý vị cho:
Disability Adjudication UnitSocial Assistance and Municipal Operations BranchMinistry of Community and Social ServicesP.O. Box B18Toronto ON M7A 1R3Fax: (416) 326-3374

 

Nếu đơn xin Tái Xét Nội Bộ của quý vị đã bị từ chối
Nếu quý vị không đồng ý với quyết định của bộ phận Tái Xét Nội Bộ, quý vị có thể kháng cáo quyết định với Tòa Phúc Lợi Xã Hội (Social Benefits Tribunal, viết tắt SBT). Tòa SBT là một cơ quan ra quyết định độc lập với ODSP và DAU.
Đến giai đoạn này, quý vị nên nhờ sự trợ giúp pháp lý với kháng cáo của mình từ cơ quan Trợ Giúp Pháp Lý của Ontario hoặc một trung tâm pháp trợ cộng đồng gần nhà.
Quý vị phải yêu cầu kháng cáo trong vòng 30 ngày khi nhận được quyết định của bộ phận Tái Xét Nội Bộ (Internal Review) bằng cách điền mẫu đơn kháng cáo với SBT. Nếu quý vị cần một thông dịch viên trong phiên tòa, quý vị nên ghi điều này trong đơn và SBT sẽ cung cấp một thông dịch viên trong phiên xử.
quý vị có thể đích thân đến tòa nộp đơn kháng cáo hay gửi bằng bưu điện, hoặc bằng fax. Không có lệ phí nộp đơn kháng cáo với SBT.  Đơn xin kháng cáo  (Mẫu 1) có thể tải trên mạng, lấy từ văn phòng SBT, tại bất kỳ văn phòng OW hay ODSP, và tại các cơ quan pháp trợ cộng đồng.  Nếu cần giúp đỡ về mẩu đơn khiếu nại,  quý vị có thể liên hệ với SBT tại:
Social Benefits Tribunal1075, Bay Street, 7th FloorToronto, Ontario M5S 2B1416-326-0978Toll-free: 1-800-753-3895
Khoảng 2 tuần sau khi nộp mẫu đơn khiếu nại, quý vị sẽ nhận được một lá thư thông báo mã số hồ sơ SBT của bạn.  quý vị cần giữ mã số này ở một nơi an toàn vì sẽ cần nó bất cứ khi nào phải liên lạc với SBT.

Văn phòng  SBT sẽ tiếp tục gửi thư thông báo cho quý vị biết lịch trình phiên xử của quý vị.  Điều này thường xảy ra 4-8 tuần sau khi quý vị nộp đơn khiếu nại. Thông báo ngày xử cũng cho quý vị biết cách xử lý của tòa cho hồ sơ.  Phiên xữ có thể là phiên xử có mặt, hay qua điện thoại hay truyền hình hoặc bằng văn bản.
Tòa sẽ lên lịch xử. Phiên xử là một cuộc họp do Tòa tổ chức để quý vị có thể giải thích lý do tại sao quý vị không đồng ý với quyết định được đưa ra. Một đại diện từ văn phòng Chương Trình Trợ Cấp Bệnh Tật nơi đã đưa ra quyết định ban đầu cũng có thể hiện diện tại tòa. Một thành viên của Tòa sẽ lắng nghe trình bày của cả hai bên và sau đó sẽ quyết định về trường hợp của quý vị.
Quý vị sẽ nhận được một quyết định bằng văn bản trong vòng 60 ngày kể từ khi buổi điều trần của bạn kết thúc. Nếu bạn chưa nhận được quyết định trong vòng 60 ngày, liên hệ với SBT.
Nếu được thắng kiện, The SBT sẽ ra lệnh ODSP hoặc văn phòng OW đảo ngược quyết định sai trái trước đó và hiệu chỉnh sai lầm, do đó:
• Nếu tiền trợ cấp bị ngưng thì sẽ được phục hồi.• Nếu quí vị được thẩm định “là một người khuyết tật”,  thì Đơn Vị Xét Về Vấn Đề Tàn Tật (DAU) sẽ gửi thông báo cho quí vị biế kết quả và trong thư sẽ báo rằng văn phòng ODSP địa phương nào sẽ liên lạc với quí vụ. • Nếu SBT quyết định rằng số tiền phải trã lại được đánh giá sai, số tiền quí vị nợ sẽ được giảm hoặc hủy bỏ.
Cho dù ODSP hay OW có đưa ra yêu cầu SBT tái xét quyết định hay kháng cáo quyết định của SBT đến tòa, thì họ vẩn phải trước hết thực thi quyết định của SBT rồi sau đó mới có thể tiếp tục kháng cáo.
Nếu quí vị thua kiện, thì SBT sẽ không thay đổi quyết định ban đầu của ODSP hoặc OW.  Nếu quí vị lãnh tiền hổ trợ tạm thời trong thời gian kháng cáo thì sẽ phải trả lại số tiền này lúc thua kiện.
Tiền hỗ trợ tạm thời
Nếu trong khi chờ kháng cáo xử lý mà quí vị gặp khó khăn về tài chính, thì có thể xin SBT phán cho hỗ trợ tạm thời bằng cách hoàn thành phần 4 của đơn khiếu nại (Mẫu 1).  hỗ trợ tạm thời là sự giúp đỡ tài chính trong thời gian chờ đợi xử lý đơn kháng cáo của quí vị.
Để giúp cho SBT cấp lệnh cho quí vị nhận được hỗ trợ tạm vì gặp tài chính khó khăn trong lúc chờ đợi SBT xữ lý đơn khiếu nại, họ cần xác định xem quí vị có đủ điều kiện để được giúp đỡ tạm thời hay không, quí vị phải cung cấp thông tin về thu nhập và chi tiêu hàng tháng.  Yêu cầu xin hỗ trợ tạm thời thường được xử lý một cách nhanh chóng. Nếu bị thua kiện, số tiền hỗ trợ tạm thời đã nhận được xem như tiền nợ và quí vị phải hoàn trã lại.
Ở đâu có thể giúp đỡ?
Để được tư vấn pháp lý và đại diện pháp lý, quí vị n có thể liên hệ với một luật sư hoặc một cơ quan pháp trợ cộng đồng gần nhà. Để tìm cơ quan pháp trợ cộng đồng trong khu vực của bạn, bạn có thể gọi điện cho Legal Aid Ontario, số điện thoại viễn liên miễn phí ngoài vùng Toronto là 1-800-668-8258, ở Toronto, hãy gọi 416-979-1446 hoặc lên trang mạng của họ tại www.legalaid .on.ca

Enter your keyword