Blog

Quyền lợi của nhân công

Ngày 21 tháng 10, năm 2010 chính quyền tỉnh Ontario đã thông qua dự luật gọi là Mở Rộng Doanh Nghiệp trong đó bao gồm một số sửa đổi trong luật lao động được áp dụng trong năm 2011. Sau đây là phần tóm tắt về những sửa đổi mang ảnh hưởng đến quyền lợi công nhân.

Bộ trưởng Bộ Lao động cho rằng cần phải cải tổ những quy định hiện hành và hiện đại hoá cách xử lý đơn kiện vi phạm luật lao động.  Đặt phương án giải quyết các đơn kiện ứ đọng và phương cách xử lý để đáp ứng được nhu cầu và thay đổi trong nền kinh tế và thị trường lao động hiện nay. Mỗi năm, Bộ Lao động nhận được hơn 20.000 đơn kiện và có khoảng 8.000 đơn bị tồn đọng.

Bộ sẽ tạo một nhóm đặc nhiệm để thanh toán khoảng 14.000 hồ sơ tồn đọng trong vòng hai năm.

Một trong các thay đổi là thủ tục khiếu nại vi phạm đến bộ lao động.  Thủ tục mới sẽ đòi hỏi nhân công tìm nổ lực tự giải quyết vấn đề với chủ trước khi khiếu nại đến Bộ.  Tức là trong tương lai, công nhân chỉ có thể kiện đến bộ lao động sau khi tự giải quyết vấn đề nhưng không thành công. Yêu cầu phải tự giải quyết sẽ không áp dụng cho thanh thiếu niên, hoặc trường hợp công ty giải tán, hoặc nhân công có những khó khăn về bất đồng ngôn ngữ hay bị chủ hành hung, ngược đãi.

Khi điền đơn khiếu nại, nhân công sẽ phải cung cấp thông tin về những nỗ lực xử lý vấn đề với chủ và kết quả ra sao.  Trong đơn sẽ đòi hỏi các thông tin về chủ như tên công ty nơi mình làm việc, loại việc, những vấn đề khiếu nại, loại tiền thiếu và số tiền thiếu lúc nào, bao nhiêu..v.v.  Khi giải quyết đơn kiện, Bộ sẽ áp dụng biện pháp mới để hòa giải trước khi lập phiên xử nếu cần.

Những biện pháp này có lợi cho nhân công không?

Một số nhóm trong cộng đồng như Ủy ban Lao động của Liên Hội Phục Vụ Cộng Đồng người Hoa cho rằng sự thay đổi này không giúp gì được cho nhân công, khi họ bị chủ bóc lột, họ phải tìm cách tự giải quyết vấn đề trước khi được kiện đến Bộ Lao động là tạo thêm rào cản cho nhân công tranh giành quyền lợi pháp lý của mình.

Nỗi lo sợ lớn nhất của nhân công là bị mất việc, nhất là trong thời buổi kinh tế trì trệ như tình hình hiện nay tại Ontario. Cho nên dù bị bóc lột, họ vẩn không dám lên tiếng vì sợ bị đuổi hay bị chủ làm khó dễ, cắt giờ làm việc hay trì hoãn tiền lương.  Khi họ bị bóc lột về những  quyền căn bản trên luật pháp như mức lương tối thiểu, phụ trội, lễ công cộng, v.v.  nhưng vì sợ mất việc, họ sẽ im lặng chịu đựng.  Sự đòi hỏi nhân công tự giải quyết vấn đề của mình trước khi nhờ đến Bộ Lao động là một cách đẩy trách nhiệm của Bộ Lao động và sẽ gây áp lực cho nạn nhân hành xử quyền lợi của mình.

Từ năm 2011,  công nhân sẽ phải đối mặt với những thách thức mới khi họ nộp đơn kiện chủ chà đạp quyền lợi pháp định của họ.

Thay đổi Tiền Trợ Cấp Dinh Dưỡng Đặc Biệt

Trợ cấp xã hội có một loại phúc lợi đặc biệt cấp cho những người đang lãnh trợ cấp xã hội khi đương sự có lý do sức khỏe phải ăn kiêng, hoặc có nhu cầu phải ăn theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt vì bệnh.  Mức tiền trợ cấp hàng tháng cho dinh dưỡng đặc biệt – Special Diet Allowance (SDA) sẽ tính theo từng loại bệnh với mức tối đa là $250/tháng cho mỗi đầu người.

Khi xin SDA, bạn sẽ mang đơn đến nhờ bác sĩ chứng minh những vấn đề sức khỏe hiện hữu và nộp lại cho OW hay ODSP.  Người phụ trách hồ sơ sẽ căn cứ vào các mục được bác sĩ chứng để  tính mức trợ cấp SDA căn cứ vào từng mục nêu ra trong đơn.  Mỗi mục có mức tiền ấn định khác nhau.

Năm ngoái, Chính quyền Ontario đã từng công bố dự định loại bỏ loại tiền trợ cấp dinh dưỡng này, nhưng sau đó lại thay đổi quyết định.  Thay vì hủy bỏ thì chính phủ thay đổi các điều kiện lãnh và mức trợ cấp của từng mục.  Sự thay đổi sẽ làm cho đìều kiện lãnh khó khăn hơn và mức tiền cũng ít hơn trước.    Những thay đổi này sẽ áp dụng vào ngày 01 tháng tư năm 2011.  Đơn mới sẽ được gửi đến những người hiện đang lãnh tiền SDA vào tháng Hai, 2011 và mức tiền mới sẽ áp dụng sau ngày 31 Tháng Bảy năm 2011.

Thay đổi trong qui định bảo lãnh vợ chồng

Trong luật nhập cư Canada từ năm 1978 đến nay, diện đoàn tụ gia đình là trọng tâm để xin nhập cư đến Canada.

Những thường trú dân và công dân Canada được phép bảo lãnh thân nhân của mình như vợ chồng, người bạn đời sống chung của mình ở nước ngoài đến nhập cư Canada.  Nhưng họ phải đáp ứng các yêu cầu nhất định để xin bảo lãnh.  Thường thì những người nhập cư do thân nhân bảo lãnh đến Canada có thể hòa nhập cuộc sống mới dễ dàng hơn.  Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ người nhập cư theo diện đoàn tụ gia đình đã giảm hơn 50% trong thập niên 1990 và hiện nay là dưới 25%.

Bắt đầu từ ngày 30 tháng chín 2010, qui chế bảo lãnh vợ chồng đã có thay đổi lớn trong Luật Nhập Cư. Sự thay đổi khó nhất trong điều kiện bảo lãnh vợ chồng, người bạn đời sống chung là sẽ phải chứng minh sự chân thật của mối quan hệ của mình, cho dù thủ tục hôn phối là chính thức và hợp pháp vẫn chưa đủ.  Họ phải chứng minh mối quan hệ hay cuộc hôn phối là chân thật.  Nếu mối quan hệ bị nghi ngờ là “gian dối”  thì sẽ bị bác đơn.

Trước 30 tháng 9 năm 2010, qui định trong Luật Nhập Cư là đơn xin nhập cư sẽ bị từ chối mục đích của hôn phối hay sống chung là vì xin nhập cư và không chân thật. Nhưng kể từ ngày 30 tháng chín 2010, qui định trong luật này đã đổi từ chữ “và” sang chữ “hoặc”, chỉ cần thay đổi một từ trong luật, khi từ “và” đổi thành “hoặc”  sẽ mang thay đổi lớn về mặt ý nghĩa, do sự thay đổi này, hiện nay hồ sơ có thể bị bác nếu mối quan hệ có mục đích để nhập cư hoặc bị nghi ngờ không chân thật.

Khi luật dùng từ “và”  trong luật pháp,  có nghĩa là khi viên chức di trú xét đơn xin nhập cư, đơn có thể bị bác nếu viên chức di trú cho rằng lý do hôn phối là để nhập cư thì quan hệ này được xem là không chân thật và đơn sẽ bị bác dựa vào lý thuyết này. Nếu người bảo lãnh xin khiếu nại và tòa phán rằng lý do hôn phối là để nhập cư nhưng quan hệ hôn nhân là hợp pháp và chân thật, thì hồ sơ đã thắng kiện và tòa có thể phán quyết cho cấp visa nhập cư.

Nhưng sau khi thay từ mới trong luật, thì có nghĩa là nếu hồ sơ kháng cáo được tòa phán là mối quan hệ là hợp pháp và chân thật, nhưng nếu vì mục đích nhập cư thì đơn kháng cáo cũng sẽ bị bác.

Luật mới áp dụng ngược về  tháng Tư, 2010. Vào thời điểm đó, chỉ có một vài nhóm nhận thức được tầm quan trọng của sự thay đổi này nên đã công khai lên tiếng phản đối.  Một trong những nhóm lớn nhất đã phản đối sự thay đổi là đề xuất này là  Hiệp hội Luật Sư Canada, là một tổ chức đại diện cho nhiều thành viên luật sư trên khắp Canada.

Hiệp Hội đã viết thư cho Chính phủ và nêu ra các lập luận cho rằng từ sự thay đổi này sẽ xáo trộn lập trường xét nghiệm và sẽ dẫn đến quyết định không hợp lý và phân biệt đối xử.  sự vô lý ở chổ là nếu mối quan hệ này được chứng minh là hợp pháp và chân thật, nhưng nếu được xem là với mục đích nhập cư thì vẫn có thể bị xem là gian dối.  Ví dụ mà hội nêu ra là nếu trong trường hợp công dân Canada sống ở nước ngoài và yêu một người nước ngoài.  Để có thể mang người mình yêu đến chung sống với mình ở Canada, người này sẽ phải kết hôn rồi mới có thể xin nhập cư theo diện bảo lãnh đoàn tụ gia đình.  Và nếu làm như vậy, dù hôn nhân của họ là một quan hệ chân thật, nhưng đơn  xin nhập cư vẫn có thể bị bác vì bi cho là mục đích hôn phối là để xin nhập cư.

Trong những trường hợp hôn phối là do sự xếp đặt của gia tộc, mà một bên đối tượng là cư dân Canada, thì hiễn nhiên vấn đề nhập cư sẽ được cân nhất khi hôn phối được sắp xếp.  Trong thực tế, có nhiều hôn phối giữa cư dân Canada trở về quê hương của mình để tìm vợ chồng kết hôn và những người ngoại quốc có thể chọn vợ chồng người nước ngoài để tìm cơ hội tại tương lai tốt hơn ở xứ người.

Tiêu chuẩn xét đơn dựa vào lý do hôn phối rất kỳ thị và tạo ra phân biệt đối xử,  lý do không thể dùng làm nhân tố thể phán quyết sự chân thật của hôn phối.

Chính phủ đã bất chấp sự phản đối và thông qua luật mới để áp dụng, đây cũng chưa phải là sự thay đổi tệ nhất mà chính phủ sẻ tiếp tục thắt chặt và gây khó khăn để xin sự nhập cư trong tương lai.

Giữa tháng Chín và tháng Mười, năm 2010, Bộ Di Trú đã tổ chức một cuộc tư vấn trên mạng để thu thập dân ý về làm thế nào để ngăn chặn ” hôn nhân thuận tiện” tức là những hôn nhân với cư dân  Canada để xin thường trú tại Canada.

Cuộc tư vấn chấm dứt ngày 27, tháng 10 thu thập ý kiến về cư dân Canada với sự gian lận hôn nhân và những gì chính phủ nên làm để ngăn chận những vấn đề này.   Những câu hỏi đưa ra theo lập luận rằng bảo lãnh theo diện hôn nhân thường là gian lận và rất phổ biến nên cần sự can thiệp của chính phủ.  Bộ trưởng di trú còn thậm chí  du lịch đến Trung Quốc và Ấn Độ để công khai chỉ trích những hôn nhân gian dối và cách lừa đảo khi xin nhập cư.  Thông điệp của ông không thể rõ ràng hơn: những người nhập cư từ châu Á thường là gian lận và họ cần phải bị ngăn chận.

Trong cuộc tư vấn này, chính phủ tìm sự đồng tình của công chúng để ủng hộ cho lập trường đưa ra bằng cách chọn một số nạn nhân – hầu hết là nam giới – đã từng bão lãnh vợ mình đến Canada rồi bị vợ phụ tình, những người này công tố những người phụ nữ mà họ bão lãnh đến đã sử dụng cuộc hôn nhân như là một vé đến Canada, rồi bỏ rơi họ và làm cho họ gánh một khoản nợ tài trợ và một trái tim tan vỡ.

Những vấn đề này cần phải xét nhiều mặt chứ không chỉ có thể đơn thuần xem một chiều, chúng ta không thể chỉ đơn thuần xem những trường hợp người bão lãnh bị người mình bão lãnh sang phản bội, mà bỏ qua những trường hợp người bị bảo lãnh sang Canada – thường là  phụ nữ – trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình sau khi nhập cư Canada.  Họ phãi sống trong sự kềm kẹp, bị kiểm soát và thậm chí bị lạm dụng ngay sau khi nhập cảnh Canada. Những phụ nữ này thường cảm thấy xấu hổ và lo sợ rằng tố cáo sẽ bị hủy tình trạng nhập cư của họ.  Những đối tác lạm dụng họ,  thường là  đàn ông – là những người khóc ” bị gian lận hôn nhân” sau khi mối quan hệ này đổ bể, lại là nhửng người có khả năng và quyền lợi để được trợ giúp pháp lý .  Trong khi đa số những nạn nhân phụ nữ – là những người mới nhập cư, thường bị cô lập và không có ai giúp đở.   Chính phủ chỉ chọn một số trường hợp có lợi cho lập luận của mình để thuyết phục công chúng đứng về phương mình, đưa ra thông điệp là vấn đề gian lận hôn nhân để nhập cư rất phổ biến và đã đến mức nghiêm trọng, chính phủ muốn đánh lạc hướng công chúng chỉa mủi dùi vào vấn đề này mà tránh phải đối mặt với những vấn đề khác trong nhập cư,  thay vì tìm cách ngăn chặn vấn đề bạo lực đối với phụ nữ thì chính phủ lại đổ lỗi cho các nạn nhân.

Đại đa số những người muốn mang thân nhân của họ sang Canada với mục đích duy nhất là để được đoàn tụ với gia đình của họ. Tuy nhiên, nhiều quan chức nhập cư Canada (đặc biệt là ở sứ quán tại Ấn Độ và Trung Quốc) thường có thành kiến là mọi hồ sơ xin nhập cảnh đều gian lận và cần minh bạch.  Vì thành kiến này, nhiều cuộc hôn nhân chân chính đã bị cách ly vì bị từ chối nhập cư. Trong khi người bảo lãnh có quyền kháng cáo và họ thường thắng kiện.  nhưng quá trình xúc tiến rất chậm và sự chờ đợi này làm gia đình phải sống cách ly một thời gian dài và làm mối quan hệ rất căng thẳng thập chí đổ bể vì sống chia lìa.  Nó cũng gây nhiều khó khăn trên mặt tài chính khi phải sống chia ly.

Dựa trên các câu hỏi tư vấn cho thấy rằng chính phủ có dự định kéo dài thêm thời gian xử lý cho các diện bảo lãnh vợ chồng. Hiện nay, thường hồ sơ được giải quyết từ  6-12 tháng.  Nếu thời gian này kéo dài thên thì sẽ là một thách thức lớn cho các cuộc hôn nhân chân chính.

Chính phủ cũng đang xem xét để áp dụng thêm các biện pháp để thử thách sự gian lận như chỉ cấp visa tạm nhập cư cho một thời hạn sau mới được cấp qui chế thường trú.

Cấp visa tạm là một chính sách cũ trong luật di trú, lúc đó, những người xin nhập cư theo diện bão lãnh của vị hôn thê/phu đã được cấp visa nhập cảnh tạm 90 ngày để  kết hôn, nếu họ không kết hôn trong thời hạn này thì sẽ không được cấp qui chế thường trú.   Lúc đó, có những trường họp một số đàn ông đã lạm dụng qui chế này để kềm chế người phụ nữ mà họ bão lãnh đến.  Nhiều nạn nhân trong trường hợp này – thường là phụ nữ đã bị lạm dụng và bạc đải.  Sau nhiều năm vận động của người nhập cư và các nhóm phụ nữ,  cùng với đơn kiện đến Tòa do chúng tôi trình để thách thức điều lệ này vi phạm Hiến Chương thì kết quả là qui luật này cuối cùng đã được hủy bỏ.  Nếu chính quyền áp dụng lại qui chế cũ thì tức là đi lùi lại 20 năm trong quá trình cải tiến về luật pháp.  Qui chế này sẽ tạo ra đẳng cấp thứ hai cho người phụ nữ nhập cư, những người sẽ phải lựa chọn phải chịu đựng bị ngược đãi hay đối mặt với lệnh trục xuất.

Các hôn nhân của những người xin nhập cư thường bị cho rằng có mục đích và không chân chính, bền vững.  Thật sự thì vấn đề hôn nhân cho cư dân ở Canada cũng không bền vững và mức ly hôn cũng rất cao.  Nhưng điều này không có nghĩa là đa số hôn nhân ở Canada đều có mục đích lừa đảo.

Trong Luật Di Trú Canada đã có những quy định dùng để trừng trị (và trong hình sự)  người nhập cư nếu họ khai gian hoặc lừa đảo để được nhập cư, thì họ sẽ bị hủy  tư cách thường trú. Nếu gian lận hôn nhân thực sự là một vấn đề phổ biến, thì trong thực tế, tỷ lệ hồ sơ bị kết tội gian lận cũng phải gia tăng tương ứng với số hồ sơ được nhập cư hàng năm nhưng sự thật lại không phải vậy.

Vấn đề gian lận hôn nhân rất phức tạp và nhiều khía cạnh, không thề đơn thuần đặt ra qui chế một chiều để giải quyết một vấn đề phức tạp này .  Thay vào đó, chính phủ nên cố gắng tạo điều kiện nhập cư theo các phương tiện khác như mở rộng định nghĩa cho thân nhân có thể xin đoàn tụ gia đình cũng như tạo cơ hội dể dàng đề xin nhập cư theo các diện khác.  Canada cần di dân, nều có nhiều cách  xin nhập cư đến Canada, kết hôn sẽ không còn là phương cách cuối cùng để xin nhập cư nữa.

ARCH DISABILITY LAW CENTRE

Ở Ontario có khoảng 79 trung tâm pháp trợ cộng đồng.  Đa số thuộc loại phục vụ theo khu vực.  một số trung tâm thuộc diện “đặc trách” tức là chỉ cung cấp dịch vụ pháp lý trong một lãnh vực  luật pháp hoặc cho một nhóm cộng đồng theo ngôn ngữ.  Chúng tôi là loại đặc trách chỉ cung cấp dịch vụ pháp lý cho những cư dân Toronto nói tiếng Việt, Hoa, Khmer và Lào mà không thạo tiếng Anh.

ARCH Disability Law Centre  là một trung tâm pháp trợ đặc trách về tranh giành quyền lợi cho người khuyết tật ở Ontario.  Trung Tâm ARCH cung cấp các dịch vụ pháp lý trong phạm vi tranh giành quyền bình đẳng cho người khuyết tật ở Ontario, dịch vụ bao gồm giáo dục cộng đồng, tư vấn pháp lý và nhận hồ sơ đại diện luật pháp, tổ chức các hoạt động đòi cải cách chính sách và luật để bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật.

ARCH cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong lãnh vực như ủy quyền, tranh chấp về quyền tự quyết định, kỳ thị, quyền được nhận phục vụ, cơ hội bình đẵng trong lãnh vực công ăn việc làm, giáo dục, nhân quyền v.v.

Để biết thêm chi tiết về Trung Tâm ARCH, xin liên 416- 482-8255.  trang mạng http://www.archdisabilitylaw.ca

Enter your keyword